Đình chùa Thanh Khiết xã Giao Yến
Đình chùa Thanh Khiết tọa lạc tại xóm 6 thôn Thanh Khiết là một trong hai di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh của xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.


Đình làng Thanh khiết xã Giao Yến

Về lịch sử hình thành mảnh đất Thanh Khiết và ngôi đình làng được khái quát trong nội dung bản thần tích còn lưu giữ tại chùa như sau:

Vào thời Hậu Lê với chính sách phát triển kinh tế, mở rộng đất đai canh tác của triều đình phong kiến, thời gian này nhân dân nhiều nơi đã tìm đến vùng đất ven biển phía Nam làm ăn sinh sống. Mảnh đất Thanh Khiết trở thành địa điển dừng chân cho các ông tổ thuộc các dòng họ: Lưu, Vũ, Đỗ, Trần, Đặng, Nguyễn có quê gốc ở vùng đất thuộc huyện Thanh Trì- Hà Nội. 

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Thanh Khiết là một xã thuộc tổng Hoành Nha huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Cách mạng tháng Tám thành công, các đơn vị hành chính cũ đều thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Lúc này các thôn Đan Phượng, Liên Trì và Thanh Khiết được hợp nhất thành xã Hải Yến. Đến năm 1956, thực hiện công cuộc cải cách ruộng đất của Đảng và Nhà nước cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, xã Hải Yến đổi tên thành xã Giao Yến. Từ đó đến nay, qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, Giao Yến là một trong 22 xã, thị trấn của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Đình làng Thanh Khiết thờ Đức thánh Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) một võ tướng của triều vua Lý Nam Đế đã đứng lên đánh tan quân xâm lược nhà Lương, giành lại độc lập cho dân tộc thời kỳ Bắc thuộc. Ông là người có nhiều công lao với đất nước, vì vậy sau khi mất đã có nhiều nơi lập đền thờ. Tại mảnh đất làng Thanh Khiết xưa kia, các vị thủy tổ về đây quai đê lấn biển, tạo làng lập ấp đã tìm đến cửa biển Đại Nha (nay là thôn Độc Bộ xã Yên Nhân huyện ý Yên) xin rước chân nhang cùng bài vị của Ngài về thờ suy tôn làm thành hoàng làng với vị hiệu “Thượng đẳng phúc thần”. Hiện nay tại di tích còn lưu giữu được 10 đạo sắc phong, sắc phong sớm nhất có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11 (1783) và đạo sắc muộn nhất có niên đại Khải Định 9 (1924).

Di tích Đình chùa làng Thanh khiết là một tổng thể kiến trúc được xây dựng  liền kề với nhau trong một khuôn viên có diện tích 5525 m2. Trên mặt bằng tổng thể di tích bao gồm các thành phần kiến trúc: Nghi môn, Tam quan, sân đền, sân chùa, cùng công trình kiến trúc trung tâm. Bao quanh những thành phần kiến trúc đó là hệ thống tường bao xây bổ trụ cao 1,50 m. Hiện nay công trình kiến trúc của di tích được xây dựng trong một khung cảnh thiên nhiên rộng rãi thoáng đãng, ẩn hòa với nhiều cây xanh đã tạo cho di tích một sự linh thiêng, u tịch.


Mặt chính đình làng Thanh Khiết

Đình làng Thanh Khiết được xây dựng quay về  hướng Đông Nam, quay ra trục đường 56.

Nghi môn trước đình được xây khang trang bề thế với 3 cửa ra vào. Cổng giữa được xây  cuốn cao, rộng theo kiểu “cổ đẳng hai tầng tám mái” với các đo góc uốn cong mềm mại. Hai cổng bên xây thấp hơn tiếp nối vào thân cổng chính cũng mang phong cách cuốn vòm tám mái. Nối liền với nghi môn còn có 2 đồng trụ cao trên 5 m, đỉnh cột đắp trang trí họa tiết “phượng lật”.

Ngôi đình Thanh Khiết được xây dựng kiểu chữ "đinh" bao gồm Tiền đường 3 gian, trung đường 2 gian và hậu cung 1 gian.

Ba gian Tiền đường có chiều dài 10,70 m, rộng 700 m, bộ khung được làm bằng gỗ lim gồm 1 hệ thống 4 cột cái, mỗi cột đường kính 35 cm và 4 cột hiên đường kính 30 cm đặt trên các chân tảng đá hình vuông. Bộ cửa được làm bằng gỗm lim kiểu bức bàn chạy suốt 3 gian tiền đường, mỗi khoang cửa có 4 cánh, đặt trong các khung bạo, lắp chân quay thuận tiện cho việc đóng mở.

Tòa trung đường và tòa cung cấm được xây quay dọc giao mái với tiền đường tạo thành bình đồ kiến trúc chữ "đinh". Tòa trung đường gồm 2 gian, bộ khung công trình được thiết kế kiểu tứ trụ, tòa trung đường và tòa cung cấm được cách nhau bằng cửa vách thuận, trong tòa cung cấm có bài vị, tượng và khám thờ Đức thánh Triệu Việt Vương.

Qua khảo sát Đình làng Thanh Khiết là một công trình kiến trúc gỗ tiêu biểu cho phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (Thế kỷ thứ XVIII). Hiện nay phong cách kiến trúc này còn được thể hiện rõ nét bởi hệ thống ván bưng bao quanh tiền đường cùng kiểu dáng kiến trúc 4 mái cong và các đao góc, bờ guột con xô rất mềm mại. Trải qua thời gian di tích này đã tu sửa tôn tạo nhiều lần đặc biệt tại tòa cung cấm, trung đường và toàn bộ hệ thống ván bưng gỗ lim đã được thay thế bằng tường gạch xây kín có tác dụng che chắn và chịu lực.


Chùa làng Thanh Khiết
 
Chùa Thanh Khiết còn có tên gọi là Khánh Sơn Tự, được xây liền kề với đình trên khu đất rộng, mặt quay về hướng Tây. Trước chùa là Tam quan xây dựng bề thế gồm 3 cửa vào, cách một sân rộng lát bằng gạch đỏ là chùa chính. Chùa Thanh Khiết xây dựng theo kiểu chữ "Đinh" gồm: Bái đường 5 gian và Tam bảo 5 gian. Hai công trình thiết kế cao trội hơn so với mặt sân, nên tại đây xây 5 bậc lên xuống thuận tiện cho việc đi lại. Bộ khung và bộ cửa của Bái đường và Tam bảo chủ yếu được gia công bằng gỗ lim. Nằm vê phía sau Tam Bảo là nhà tổ và phủ thờ mẫu. Nhà tổ có 5 gian dựng kiểu chữ "đinh" với bộ mái lợp ngói nam.
Tổng thể kiến trúc chùa làng Thanh Khiết hiện nay có trên 50 gian lớn nhỏ gồm có các công trình như: Chùa Chính, nhà tổ, nhà khách, phủ mẫu, tăng phòng. Phần lớn các công trình đã được tu sửa qua nhiều thời kỳ và mang phong cách cuốn vòm, một phong cách kiến trúc đã phản ánh sinh động cho lối kiến trúc tiêu biểu của đông đảo cư dân các huyện ven biển thuộc tỉnh Nam Định.

Hiện nay lễ hội truyền thống tại Đình chùa làng thanh Khiết còn lưu giữ nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần bổ ích không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh mà còn là dịp để dân làng tri ân công đức của các vị tiền nhân đã có công dựng xây đất nước. Lễ hội truyền thống hằng năm tại đình diễn ra vào các ngày: mùng 6 Tết âm lịch, rằm tháng 6 âm lịch, đặc biệt là lễ hội chính  được tổ chức vào các ngày từ 13 đến 15 tháng 8 âm lịch kỷ niệm ngày mất của Đức thánh Triệu Việt Vương. Tại chùa thường tổ chức các ngày lễ Phật đản (15/4), Vu lan xá tội vong nhân(15/7).

Trong lễ hội của làng Thanh Khiết còn lưu giữ được trò chơi nổi tiếng và thu hút sự quan tam của đông đảo nhân dân trong vùng đó là trò chơi "chọi gà", “cà kheo” và “đấu vật”. Đây là các trò chơi dân gian đã được truyền tụng tại địa phương từ bao đời đến nay vẫn còn được dân làng duy trì và phát triển.

Đình chùa làng Thanh Khiết không chỉ là nơi tín ngưỡng tâm linh mà còn là nới ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước: Ngày 6 tháng 1 năm 1946 sau Cách mạng tháng Tám thành công đình làng Thanh Khiết là địa điểm tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong phong trào "bình dân học vụ", Đình chùa làng Thanh Khiết là nơi mở các lớp dậy chữ Quốc ngữ cho đông đảo quần chúng nhân dân đã góp phần không nhỏ và sự nghiệp mở mang dân trí cũng như đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Làng Thanh Khiết còn nổi tiếng bởi nhiều người thợ xây dựng có bàn tay vàng với tài vẽ, đắp, trang trí các họa tiết rồng, phượng...được khắp nơi trong và huyện biết tới. 

                             Như Quỳnh








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1