GIỚI THIỆU CHUNG

Giao Yến là một xã nằm ở phía Nam của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, có diện tích 6,45 km2, dân số hiện nay 7.482 người, với 2.532 hộ. Xã nằm cách trung tâm huyện Giao Thủy 7 km, trải dọc theo trục đường Quốc lộ 37B và sông Cồn Nhất, theo hướng Tây bắc-Đông nam; chiều dài 3,2km, nơi rộng nhất là 2km. Phía Bắc xã giáp với xã Giao Tân; phía Đông giáp với xã Giao Châu; phía Tây và tây Bắc giáp với xã Giao Phong và Giao Thịnh, phía Nam giáp biển Đông.
 Xa xưa, vùng đất Giao Yến thuộc vùng cửa sông và biển, đất đai Giao Yến được hình thành do phù sa của các nhánh sông Hồng đổ xuống, gặp sóng biển làm ngưng tụ lại tạo nên. Tuy nhiên, nơi đây vốn là một vùng biển sâu nên quá trình hình thành không thuần túy như một số nơi khác. Phù sa phía trên đổ xuống, gặp sóng xô, gió cuốn phía dưới biển dội lên đã tạo nên những đụn cát cao và hàng trăm hố sâu, vũng xoáy, khiến cho địa hình phức tạp, không bằng phẳng. Phần lớn đất đai của xã là loại đất thịt pha cát, phù hợp với việc trồng cây hoa màu, cây lương thực, chỉ có khoảng 100 mẫu là đất cát. Là một xã thuộc vùng biển bồi, nên lịch sử của Giao Yến là lịch sử của những cư dân từ các địa phương trong nội địa từng bước lấn ra khai phá đất đai, chinh phục thiên nhiên, tiến dần ra biển. So với các xã trong nội địa thì Giao Yến có lịch sử hình thành khá muộn.
Trước thế kỷ XV vùng đất Giao Thủy đã dần dần được bồi đắp, hình thành những bãi bồi hoang sơ. Sau đó, các cư dân ở các nơi di cư đến sinh cơ, lập nghiệp. Địa danh huyện Xuân Trường, Giao Thủy mới có cách đây một vài thế kỷ, nhưng để có địa danh tên gọi đó thì mảnh đất và con người chắc chắn phải đến đây khai phá, sinh sống từ trước đó rất lâu đời. Theo các tài liệu để lại, dòng họ Lưu ở Thanh Khiết, từ tỉnh Hà Tây đã về đây mở đất vào năm 1580. Cũng thời gian đó dòng họ Nguyễn từ miền Vọng Doanh, Đan Phượng (Hà Tây) về đây đã lập nên làng Đan Phượng và chợ Vọng. Năm 1610, sau cuộc chiến tranh Trịnh-Mạc, một số quan lại thất thế và nhân dân ở các lộ, trấn đã chạy loạn về đây lập các thôn xóm, ấp. Dấu tích là tên các xóm, ấp đó được đặt theo tên làng, xóm, quê hương của họ.
Thời Minh Mạng, những năm 1825-1829, Dinh điền xứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức khẩn hoang bãi biển lập nên tổng Hoành Thu. Nhân dân tổng Hoành Thu đã khơi sâu thêm sông Xẻ chảy từ Cồn Nhất về các ấp, giáp trong vùng và đào đắp đê bối ba bậc, cao 5-7m, cách đê biển chừng 250-300m, chạy từ Giao Lâm lên Cồn Nhất, tạo ra khu đệm ngăn nước mặn từ biển tràn vào. Do đó miền đất đê bối này dần dần trở thành tụ điểm thu hút các cư dân đến sinh cơ lập ấp. Trong đó có vùng đất xã Hải Yến (tức Giao Yến). Năm 1890, trong khi tạo dựng những cánh đồng trong đê, bãi, nhân dân nơi đây cũng đã cùng nhau vươn ra khai phá những bãi bồi, những đầm lầy phía ngoài đê. Khoảng giữa thế kỷ XIX, nhà Nguyễn tách một phần đất tổng Hoành Thu và một phần đất mới bồi, thành lập tổng Quất Lâm, vùng đất Giao Yến thuộc tổng Quất Lâm.
Năm 1923, nhà Nguyễn huy động nhân dân Xuân Trường xuống quai đê lấn biển, nhưng 2 năm sau, con đê này đã bị bão biển tàn phá gần như hoàn toàn. Năm 1930, nhà Nguyễn lại giao cho tri huyện Giao Thủy tổ chức đắp tiếp đoạn đê biển từ cống Kỷ Niệm đến Đồng Ngụ, lập ra cánh đồng ngoài, tạo điều kiện cho việc khai khẩn, đánh bắt và trồng cấy; một số hộ dân đã ra lập ấp sinh sống ở các gò, bãi phía tây Đồng Ngụ. Lúc này chính quyền thực dân phong kiến mới đặt tên cho xã Hải Yến. Năm 1956, sau khi giải phóng huyện mới đổi tên là xã Giao Yến và giữ đến nay. Năm 1964, khi thành lập xã Bạch Long, chính quyền đã cắt trại Đan Hải và phía Nam thôn Liên Hoan của Giao Yến nhập vào Bạch Long). Trong quá trình hình thành, phát triển và khai phá đất đai, xây dựng làng xã, nhiều dòng họ như: Nguyễn, Trần, Lưu, Hoàng…đã đến đây khai phá và sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất này. Là những cư dân từ nhiều nơi tụ hội về, nên nơi đây trở thành điểm gặp gỡ, giao thoa của các phong tục, sắc thái văn hóa rất đa dạng. Nhưng nhìn chung là nhân dân nơi đây đều có truyền thống yêu nước, thương người, chăm chỉ, cần cù, hiếu học; đoàn kết chặt chẽ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Những mối quan hệ tình cảm tốt đẹp trong cộng đồng như “lá lành đùm lá rách”, “ bán anh em xa, mua láng giềng gần”… được hình thành và ngày càng trở thành bền vững. Nhiều phong tục tiến bộ đã trở thành thuần phong mỹ tục. Đặc biệt nhân dân Giao Yến rất anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chinh phục thiên nhiên, giữ nước, giữ làng, chống áp bức bóc lột.
 Đầu thế kỷ XIX, nhân dân Hải Yến đã tham gia nghĩa quân Phan Bá Vành, xây dựng căn cứ chống lại Triều đình nhà Nguyễn. Đầu thế kỷ XX nhiều người con của Giao Yến đã tích cực ủng hộ các phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông kinh Nghĩa thục… Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Giao Yến đã đóng góp nhiều sức người, sức của vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Kiên cường, bất khuất nhưng nhân ái, yêu hòa bình, ham học hỏi, kính trên, nhường dưới, tôn trọng đạo lý, chung thủy vợ chồng, thương yêu đồng loại. Hầu hết người dân Giao Yến đều ảnh hưởng tư tưởng đạo Phật. Đó là tinh thần: từ, bi, hỉ, xả, thương người, giúp đỡ kẻ yếu, tu tâm tích đức, làm điều thiện, tránh điều ác… Với đặc điểm đa thần thánh của Việt Nam, bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, cha mẹ, người dân Giao Yến còn xây nhiều đình (hội họp), đền (thờ Thánh), chùa (thờ Phật). Xã có 03 chùa cổ là Thanh Khiết, Đan Phượng, Liên Hoan, đã được sắc phong thờ Triệu Quang Phục từ năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Đầu thế kỷ XIX, các chùa Đan Phượng, Thanh Khiết, Liên Trì tiếp tục được xây dựng, trùng tu, hoặc xây mới. Đầu thế kỷ XX, do nhiều lý do khác nhau, một số người dân đã đi theo đạo Thiên Chúa. Cả 3 thôn đều có xây dựng nhà thờ, đến nay tỷ lệ giáo dân của xã chiếm khoảng 3% dân số.



 Bản đồ hành chính xã Giao Yến

 HÀNH CHÍNH:

 1. Vào năm 1580 dòng họ Lưu ở Thanh Khiết từ tỉnh Hà Tây đã về đây mở đất, và cũng thời gian trên dòng họ Nguyễn từ miền Vọng Doanh, Đan Phượng (Hà Tây) về đây đã lập lên làng Đan Phượng và chợ Vọng.
2. Thời Minh Mạng những năm 1825- 1829, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức khẩn hoang bãi biển lập nên tổng Hoành Thu, trong đó có vùng đất xã Hải Yến(tức Giao Yến)
 3. Khoảng giữa thế kỷ 19 nhà Nguyễn tách một phần đất tổng Hoành Thu và một phần đất mới bồi thành lập Tổng Quất Lâm, vùng đất Giao yến thuộc tổng Quất Lâm và đặt tên cho địa phương là xã Hải Yến
4. Năm 1952 thực hiện quyết định của Chính phủ về đổi tên xã, thống nhất lấy chữ “Giao” đầu gắn với một chữ của xã và được đổi tên thành xã Giao Yến. Năm 1964 khi thành lập xã Bạch Long chính quyền đã cắt trại Đan Hải và phía Nam thôn Liên Hoan của xã Giao Yến nhập vào xã Bạch Long. Đến nay hành chính xã Giao Yến có 15 xóm gồm xóm 01, xóm 02, xóm 03, xóm 04, xóm 05, xóm 06, xóm 07, xóm 08, xóm 09, xóm 10, xóm 11, xóm 12, xóm 13, xóm 14, xóm 15. Trụ sở trung tâm Ủy ban nhân dân xã được đặt tại xóm 09 – xã Giao Yến – huyện Giao Thủy –tỉnh Nam Định.




 TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ

 Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong những năm qua, nhờ có sự đổi mới về cơ chế quản lý và chính sách kinh tế của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ; sự giám sát của HĐND; Sự chỉ đạo quyết liệt của UBND, các cấp, các ngành, các cơ sở xóm đội cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân kinh tế xã Giao Yến ngày một phát triển, duy trì nhịp độ tăng trưởng cao
 Tính đến năm 2019 kinh tế phát triển khá, giá trị tổng sản phẩm tăng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng giá trị và thu nhập, giảm tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 45 triệu đồng/người/năm.
 + Sản xuất nông nghiệp – trồng trọt và chăn nuôi: Từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá và tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác. Tổng diện tích gieo cấy là 335 ha, thường xuyên thay đổi cơ cấu giống phù hợp với chân màu và thời tiết, lựa chọn giống lúa có giá trị kinh tế cao thay thế giống cũ, tổng sản lượng lương thực bình quân: 5.210 tấn/năm; Thu nhập cây màu chủ yếu là lạc, đỗ, ngô, rau, khoai tây…. ước đạt 270 triệu đồng/ha. Sản lượng tôm, cá nước lợ, sản lượng cá nước ngọt đạt 40- 45 tấn đạt 130 tấn.
+ Ngành nghề nông thôn : Ngoài sản xuất nông nghiệp người dân Giao yến còn tham gia một số ngành nghề tăng thêm thu nhập như: mây tre giang, móc sợi, thêu ren, sản xuất nấm, chế biến lương thực, thực phẩm, may mặc, nghề mộc, cơ khí, xây dựng... Ngành nghề nông thôn với các cơ sở sản xuất rất đa dạng, phong phú nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ, phần nhiều là tự phát, bước đầu không có kỹ thuật cơ bản, vừa học, vừa truyền nghề, vừa làm chủ yếu là đúc kết kinh nghiệm thực tế gắn với nhu cầu thị hiếu hàng hoá thị trường để phát triển sản xuất.
 + Một bộ phận lao động nông nghiệp đã chuyển đổi sang làm công nhân cho các nhà máy may trên địa bàn trong xã, trong huyện và các huyện lân cận với mức thu nhập ổn định khoảng từ 5.000.000đ đến 6.000.000đ.
+ Các ngành dịch vụ trên địa bàn xã có chiều hướng phát triển, thị trường hàng hoá phong phú, sôi động đáp ứng đủ các yêu cầu của sản xuất và đời sống. Các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nhiều thiết bị máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất lao đông, hiệu quả công việc tăng thu nhập.
 + Kết cấu hạ tầng: Hoàn thành việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng qua nhiều năm đang phát huy tác dụng: trên địa bàn xã hiện nay các tuyến trục đường Quốc lộ, Liên xã, Liên thôn, liên xóm và các trục đường dong đều được cứng hóa 100% bằng bê tông, nhựa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Ngoài hệ thống trục đường dân sinh địa phương còn làm các đoạn tuyến giao thông nội đồng từ xóm 01 đến xóm 15, quy hoạch mở tuyến đường Bắc sông Cồn Nhất từ xóm 2 đến xóm 15 nối với đường Quốc Lộ 37B và đường bờ sông phía Nam sông Cồn Nhất.



TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA – XÃ HỘI

 Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được quan tâm, giữ vững thành tích đơn vị tiên tiến xuất sắc đứng trong tốp đầu của ngành giáo dục - đào tạo huyện Giao thủy. Phổ cập tiểu học, trung học cơ sở được duy trì và phát triển. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT các loại hình đạt trên 90%. Học sinh tốt nghiệp THPT vào học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đạt trên 80%. Trường Mầm non Giao Yến trong năm học 2018 – 2019 được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia Mức độ II; Trường Tiểu học Giao Yến vẫn giữ vừng trường đạt chuẩn Quốc gia Mức độ II; Trường THCS là trường đạt chuẩn Quốc gia Mức độ I, cả 3 nhà trường đạt tiêu chuẩn "xanh, sạch, đẹp, an toàn".
 Phong trào xây dựng nhà văn hoá xóm, xây dựng cơ quan, gia đình văn hoá phát triển mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực: 15/15 xóm có nhà văn hoá và sân chơi thể thao phục vụ nhân dân trong xóm; 60% số xóm được công nhận “Xóm văn hóa - Nông thôn mới”; 3 trường học trên địa bàn, Trạm y tế được công nhận cơ quan có nếp sống văn hoá; số gia đình đạt gia đình văn hóa tính đến năm 2019 đạt 94,2%.
Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, y tế xã đủ về số lượng và nâng cao chất lượng, Y tế xã nhà đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Trạm Y tế được xây dựng năm 2014 với các phòng chức năng riêng, trang thiết bị được bổ sung đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân hiện nay. Tổng số lượt khám bệnh là trên 5000 lượt/năm, tổ chức tiêm phòng đầy đủ, uống vitamin cho các cháu. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tê của toàn xã là 93.65% đứng trong tốp đầu của huyện. Tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, toàn xã có 3851 người trong độ tuổi lao động, số lao động có việc làm thường xuyên 3545 người đạt 92.03%. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2019 là 47 hộ chiếm 1.7%, hộ cận nghèo là 124 hộ chiếm tỷ lệ 4.6%.



Chùa Đan Phượng xã Giao Yến

 Giao Yến là xã ở phía tây nam huyện Giao Thủy có lịch sử hình thành và phát triển khá muộn so với các xã ở sâu trong nội địa, nhưng có quá trình đấu tranh trong lao động sản xuất và chống giặc ngoại xâm kiên cường, anh dũng. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, nhân dân Giao Yến phải sống trong cảnh lầm than nô lệ của người dân mất nước, rên xiết dưới 2 tầng áp bức của thực dân phong kiến, hầu hết là thất học, đói khổ. Từ khi có Đảng, những người nông dân Giao Yến vốn hiền lành chăm chỉ, nhân nghĩa, thủy chung, được Đảng giác ngộ đã trở nên mạnh mẽ hơn, hàng trăm người con Giao Yến nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng đã sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, có những người con đã để lại máu xương, cơ thể trên chiến chiến trường khốc liệt. Toàn xã có 171 liệt sỹ, 79 thương binh, 15 Mẹ được phong tặng và truy tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, 01 anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, 68 bệnh binh và nhiễm chất độc da cam là 152 người. Niềm vinh dự tự hào của một xã có truyền thống và bề dày lịch sử hào hùng đã được ghi nhận, tháng 5 năm 2005 nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9, một vinh dự, tự hào lớn Đảng bộ, nhân dân xã Giao Yến được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Nối tiếp truyền thống xã Anh hùng ngày nay Đảng bộ và chính quyền Giao Yến nguyện đoàn kết thành một khối thống nhất, nối tiếp truyền thống vẻ vang đó, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng xã nông thôn mới và hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xây dựng quê hương Giao yến ngày càng giàu mạnh, văn minh ./.

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1